Áp dụng quy tắc 7-38-55 để chinh phục mọi cuộc phỏng vấn
Hãy tưởng tượng bạn đang chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho một buổi phỏng vấn vô cùng quan trọng, bạn có thể nghiên cứu kỹ lưỡng về công ty đó, nhờ người thân hay bạn bè phỏng vấn bạn, chuẩn bị những câu hỏi thật thông minh để có thể hỏi lại nhà tuyển dụng… Thế nhưng, đôi khi những điều ấy lại chưa đủ giúp bạn được tuyển vào vị trí mơ ước trong bối cảnh thị trường việc làm ngày càng khốc liệt.
Tuy nhiên, bạn có thể tự trang bị những kỹ năng khác để giúp bản thân nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng như áp dụng quy tắc 7-28-55 – yếu tố quyết định thành – bại của buổi phỏng vấn sắp tới của bạn đấy!
Quy tắc 7-38-55 là gì?
Được nhà tâm lý học Albert Mehrabian đưa ra lần đầu tiên vào năm 1967, quy tắc 7-38-55 xác định mức độ quan trọng mà người nghe đánh giá qua lời nói, giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể của người nói. Quy tắc này nêu rằng, 7% thông tin giao tiếp được truyền đạt qua từ ngữ, 38% qua giọng điệu và 55% qua tư thế và biểu cảm khuôn mặt (hay ngôn ngữ cơ thể). Trong một buổi phỏng vấn, bạn có thể tập trung đưa ra những câu trả lời bạn cho là “đúng” và phù hợp với các câu hỏi của nhà tuyển dụng. Nhưng đôi khi bạn lại bỏ qua điều quan trọng không kém so với nội dung câu trả lời – cách bạn truyền đạt suy nghĩ của mình và cách nhà tuyển dụng cảm nhận về bạn mới chính là yếu tố để lại ấn tượng sâu sắc hơn.
Jessica Chang-Irish, một chuyên gia về kỹ năng phát biểu trước đám đông, đã chia sẻ: “Những lời bạn nói ra rất quan trọng, nhưng cách bạn truyền đạt chúng cũng quan trọng không kém. Hãy đảm bảo rằng ngôn từ bạn sử dụng phù hợp với giọng điệu, tốc độ nói và cử chỉ của bạn. Ví dụ, nếu bạn nói: “Tôi thực sự hào hứng với cơ hội này” với vẻ mặt nghiêm nghị, giọng nói đơn điệu và hai tay nắm chặt trên đùi, liệu điều đó có thể chứng minh những gì bạn đang nói không? Chắc chắn là không. Tuy nhiên, nếu bạn nói với một nụ cười chân thành, giọng điệu lạc quan và hai bàn tay mở ra với lòng bàn tay hướng lên trên, bạn sẽ thực sự truyền tải được ý nghĩa của những lời nói ấy“.
Nói cách khác, nội dung bằng lời nói chất lượng sẽ được thể hiện bằng ngữ điệu nhiệt tình, tự tin kết hợp với cử chỉ phù hợp, mạnh mẽ sẽ giúp người nghe hoàn toàn tập trung vào những gì bạn muốn truyền tải. Ngược lại, nếu giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể của bạn mâu thuẫn với lời nói, mọi người sẽ có xu hướng tin vào giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể của bạn hơn là những gì bạn nói ra.
Làm chủ buổi phỏng vấn tiếp theo với quy tắc 7-38-55
Vậy làm thế nào để bạn áp dụng thành công quy tắc 7-38-55 vào buổi phỏng vấn tiếp theo? Để giao tiếp hiệu quả, bạn cần thành thạo ngữ điệu và hành vi phi ngôn ngữ. Khi chuẩn bị và trong quá trình phỏng vấn xin việc, những mẹo sau đây sẽ giúp bạn đảm bảo bạn truyền tải thông điệp của mình đúng với ý định.
Giao tiếp bằng ánh mắt
Giao tiếp bằng mắt là một hình thức vô cùng quan trọng trong tương tác trực tiếp. Dù là gặp gỡ offline hay phỏng vấn online, việc bạn thể hiện cảm xúc qua ánh mắt của mình có thể ảnh hưởng đến mối liên kết giữa người nói và người nghe.
Bạn có thể có xu hướng nhìn đi chỗ khác khi suy nghĩ câu trả lời hoặc do lo lắng, nhưng việc duy trì giao tiếp bằng mắt cho thấy bạn đang tham gia vào cuộc trò chuyện. Hơn nữa, điều đó thể hiện sự trung thực, chân thành và tự tin của bạn. Nếu buổi phỏng vấn diễn ra trực tuyến, hãy giao tiếp bằng mắt với người phỏng vấn bằng cách nhìn vào ống kính máy tính của bạn, không phải nhìn vào khuôn mặt của họ trên màn hình.
Sử dụng tông giọng và cử chỉ phù hợp
Tông giọng và ngôn ngữ cơ thể của bạn có thể truyền tải nhiều thông điệp hơn cả lời nói. Vì vậy, nền tảng mạng xã hội networking và tuyển dụng LinkedIn đã gợi ý một số cách để thay đổi tông giọng nhằm nhấn mạnh những điểm chính, thể hiện cảm xúc và tạo sự hứng thú cho người nghe. Ví dụ, nếu bạn cảm thấy phấn khích về một khía cạnh nào đó của công việc, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ truyền đạt điều đó bằng một giọng điệu đầy nhiệt huyết.
Đồng thời bạn cần sử dụng cử chỉ phù hợp với tình huống, chẳng hạn như mỉm cười, gật đầu hoặc mở lòng bàn tay. Những cử chỉ này có thể cho thấy bạn đang tham gia và hứng thú với cuộc trò chuyện. Nên tránh các cử chỉ như cứng cáp, khoanh tay, hay chạm vào mặt. Những cử chỉ này có thể bị coi là gây mất tập trung, phòng thủ hoặc thậm chí là hung hăng. Hơn nữa, hãy cố gắng nói chậm rãi, nhẹ nhàng và sử dụng sức mạnh của những lần tạm ngừng. Điều này không chỉ giúp bạn tránh những tiếng “ậm ừ”, mà còn cho bạn thêm thời gian để suy nghĩ về những gì sẽ nói tiếp theo và giúp khán giả hoặc người nghe duy trì sự tập trung.
Xem thêm
• Giải mã ngôn ngữ cơ thể khi yêu của 12 cung hoàng đạo
• 33 phong cách sống của người Nhật Bản giúp bạn xây dựng lối sống hạnh phúc
• 6 bí quyết tạo ấn tượng trong buổi phỏng vấn trực tuyến
Thể hiện sự tự tin
Tư thế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc quyết định sự thành bại của cuộc phỏng vấn. Dáng ngồi của bạn có thể biểu hiện sự tự tin, chú ý và quan tâm, hoặc ngược lại, là sự chán nản, lo lắng hay phòng thủ. Vì vậy để truyền đạt sự tự tin, bạn hãy ngồi thẳng lưng, hơi nghiêng về phía trước và thả lỏng vai.
Trước khi bước vào một cuộc phỏng vấn, bạn nên thực hành các “tư thế quyền lực” (power poses) – những tư thế cơ thể mở rộng, tăng cường sự tự tin và mạnh mẽ. Bạn có thể thực hiện chúng trong xe hoặc ở những nơi có gương để bạn có thể quan sát tư thế của mình. Nếu bạn không thể nghĩ ra đó là tư thế gì, hãy thử tư thế Wonder Woman: tay chống hông, ngực ưỡn ra, đầu và cằm ngẩng cao. Đồng thời, hãy tự động viên mình bằng những câu nói khẳng định tích cực, như “Mình sẽ làm được!” hoặc “Mình tự tin vào khả năng của bản thân!”. Điều này có thể nghe hơi ngớ ngẩn, nhưng bằng cách thể hiện sự tự tin theo mặt thể chất, bạn cũng sẽ có thể nắm bắt nó về mặt tinh thần trước khi bước vào cuộc phỏng vấn.