Dấu hiệu nhận biết bạn đang bị “dội bom tình yêu” khi hẹn hò

Đôi khi, nhận được hành động hay lời nói thể hiện tình cảm quá mãnh liệt và dồn dập từ đối phương trong thời gian ngắn không đồng nghĩa với việc người ấy yêu bạn. Ngược lại, dưới vỏ bọc của những lời khen ngọt ngào, cử chỉ ga lăng hào phóng, có thể bạn đang trong tình huống “dội bom tình yêu” và không hề hay biết.

Dấu hiệu nhận biết bạn đang bị “dội bom tình yêu” khi hẹn hò

Thoạt nhìn, những điều kể trên sẽ khiến một người cảm thấy được yêu thương và trân trọng. Tuy nhiên, nếu họ tiếp tục đi sâu vào “cái bẫy ngọt ngào” ấy, mối quan hệ này sẽ phát triển theo chiều hướng độc hại và họ khó thoát ra khỏi nó.

“Dội bom tình yêu” là gì?

Dội bom tình yêu (love bombing) là một thuật ngữ dùng để chỉ hành vi thể hiện tình cảm một cách thái quá, liên tục nhằm mục đích kiểm soát đối phương trong giai đoạn mới bắt đầu hẹn hò. 

Vậy điều gì khiến cho những hành động này trở thành điều tiêu cực? Theo chuyên gia tâm lý Ann Russo, dội bom tình yêu là chiến thuật thao túng tinh vi, khi ai đó dùng những lời khen ngợi tâng bốc, quà cáp đắt tiền và cử chỉ yêu thương quá mức để tạo ra sự tin tưởng và phụ thuộc trong một mối quan hệ. Mục đích của họ thường nhằm mục đích kiểm soát và lợi dụng lòng tin, tình cảm của đối phương.

cô gái trong giai đoạn bị dội bom tình yêu khi hẹn hò

Ảnh: Unsplash/Orhan Pergel

Theo thời gian, bạn sẽ dần trở nên bối rối, mất kiểm soát vì đã quen nhận được sự chú ý hay tình cảm quá mức từ họ. Bất kỳ sự thay đổi nhỏ nào trong hành vi hay thái độ đều có thể khiến bạn bồn chồn, bất an và lo âu. Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng John Dolores, Giám đốc Hoạt động của BeSpoke Treatment, đã vạch trần bản chất của chiến thuật này: “Kẻ dội bom tình yêu lợi dụng sự hào phóng của họ để áp đặt quy tắc ‘trao đổi’, khiến bạn cảm thấy mang ơn và buộc phải đáp lại họ“.

Tuy quan tâm và tặng quà cho người yêu là hành động tích cực trong một mối quan hệ, nhưng đối với tình huống dội bom tình yêu, điều này có thể dẫn đến kết quả tồi tệ. Tiến sĩ England phân biệt hai tình huống đó như sau: “Trong một mối quan hệ lành mạnh, tình cảm tự nhiên sẽ dần phát triển theo thời gian. Tuy nhiên, kẻ dội bom tình yêu lại thể hiện tình cảm một cách thái quá. Mục đích của họ là khiến bạn cảm thấy “mắc nợ”, từ đó dễ dàng bị kiểm soát và thao túng trong tương lai”.

Những dấu hiệu để nhận biết “dội bom tình yêu” 

Trong giai đoạn đầu của một mối quan hệ tình cảm, ranh giới giữa sự lãng mạn và hành vi “dội bom tình yêu” thường khó phân biệt rõ ràng vì chúng ta thường không quá chú ý đến lý trí khi cảm nắng ai đó. Vì vậy, Tiến sĩ England đã đưa lời khuyên rằng, nếu bạn cảm thấy ai đó thường xuyên thể hiện tình cảm với cường độ mãnh liệt và khiến bạn cảm thấy không thoải mái, đó có thể là một trong những dấu hiệu cho thấy bạn đang trải qua cảm giác dội bom tình yêu. 

cô gái bị dội bom tình yêu trong mối quan hệ với bạn trai

Ảnh: Unsplash/Alexander Mass

Dưới đây là một vài dấu hiệu phổ biến của hành vi này. Nếu bạn cảm nhận rằng đa số những điều dưới đây đang xảy ra với bản thân, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang ở trong một mối quan hệ không lành mạnh.

  • Người ấy liên tục tặng quà, nhắn tin, dành những lời khen có cánh với tần suất dày đặc. 
  • Ban đầu những cử chỉ ấy khiến bạn cảm thấy hạnh phúc, nhưng dần dần chúng bắt đầu khiến bạn thấy khó chịu vì không còn cảm thấy riêng tư. Hoặc sau một thời gian, bạn bắt đầu nảy sinh tình cảm dành cho đối phương, họ đột ngột ngừng liên lạc hoặc tần suất liên lạc giảm đáng kể. 
  • Bạn cảm thấy bạn “nhận được” nhiều hơn “cho đi” và cảm thấy tội lỗi vì không bù đắp được cho họ
  • Họ đòi hỏi rất nhiều sự chú ý từ bạn và nếu bạn né tránh hay giữ khoảng cách riêng tư, họ sẽ tỏ thái độ bực bội và khó chịu
  • Bạn cảm thấy khó có thể bày tỏ sự bất đồng ý kiến hoặc đặt ra những nguyên tắc trong mối quan hệ
  • Người ấy cố gắng khiến bạn nghĩ rằng họ là “định mệnh” của bạn và là người duy nhất có thể hiểu bạn, thậm chí họ còn cố gắng cô lập bạn khỏi bạn bè, gia đình hoặc những người thân yêu
  • Mối quan hệ tiến triển quá nhanh và họ thường đặt ra những yêu cầu buộc bạn phải cam kết như sống cùng nhau, công khai tình cảm… 

Cần làm gì để bảo vệ bản thân trong tình trạng này?

Nếu phát hiện bản thân đang trong tình trạng bị dội bom tình yêu, điều đầu tiên bạn cần làm là giữ bình tĩnh để có thể suy nghĩ và đưa ra những quyết định sáng suốt cho bản thân. Bạn hãy nhớ rằng, bạn không có nghĩa vụ phải đáp lại tình cảm quá mức của ai đó nếu bạn cảm thấy không thoải mái với họ. Việc từ chối những hành vi không phù hợp là một cách bảo vệ bản thân bạn và góp phần xây dựng một mối quan hệ cân bằng, lành mạnh. Dưới đây là một số bước cụ thể để bạn có thể xác định rõ ràng vấn đề và giải quyết chúng:

Tạm dừng và đánh giá

Khi trực giác của bạn mách bảo rằng có điều gì đó không ổn trong mối quan hệ, bạn nên dừng lại và suy ngẫm liệu điều đó có căn cứ hay không? Bởi đôi khi, trực giác của chúng ta có thể là “đèn tín hiệu”, cảnh báo bạn trước khi bạn dấn thân vào các vấn đề to lớn, đòi hỏi nhiều trách nhiệm hơn. 

cô gái mặc váy xanh đội mũ đứng dưới trời nắng

Ảnh: Unsplash/Baran Lotfollahi-

Tiếp đến, bạn hãy cân nhắc rằng những buổi hẹn hò hay những lời nói bạn dành cho người ấy trước đây xuất phát từ chính mong muốn của bạn, hay chỉ vì bạn đang bị cuốn theo nhịp điệu của họ. Từ đó, bạn sẽ biết được bản thân mong muốn điều gì và đưa ra quyết định sáng suốt về việc nên tiếp tục hay dừng lại.

Thiết lập ranh giới và giữ vững lập trường

Khi yêu, chúng ta luôn muốn trao tất cả những điều tốt đẹp nhất cho đối phương, như tâm tư, tình cảm thời gian, công sức… của mình. Thế nhưng, việc xác định ranh giới cá nhân rõ ràng là một điều vô cùng quan trọng để bảo vệ cả hai trước những yếu tố độc hại. Chẳng hạn, nhờ có ranh giới đã được thiết lập, cả hai sẽ hiểu rõ những điều người kia mong muốn và điều cần tránh. Từ đó, cặp đôi sẽ tránh được những xung đột không cần thiết, đồng thời tạo không gian cho mỗi người có thể chữa lành và phát triển bản thân.

cô gái ôm hoa đứng thẫn thờ

Ảnh: Unsplash/Alexander Mass

Vì vậy, nếu ai đó không tôn trọng ranh giới của bạn, bạn nên thẳng thắn từ chối và chỉ rõ rằng bạn đang không thoải mái với sự “xâm lấn” của họ. Điều này sẽ tạo ra không gian cần thiết để bạn tìm thấy sự cân bằng giữa nội tâm bên trong và các mối quan hệ bên ngoài, bảo vệ các giá trị cá nhân, và hơn nữa từ đó bạn có thể tìm thấy một nửa phù hợp cho bản thân mình.

Tin tưởng trực giác

Nếu bạn từng trải qua một vài tổn thương trong quá khứ, trực giác của bạn sẽ theo đó trở nên nhạy bén hơn do đã có bài học vững chắc từ những trải nghiệm trước đây. Vì vậy, đôi khi trực giác mách bảo bạn thực chất lại là việc bạn đang nhận dạng các vấn đề tiềm ẩn một cách vô thức – những điều tồi tệ bạn từng đối mặt trước đây. Chẳng hạn, một người từng bị lừa dối trong quá khứ có thể vô thức nhận thấy những dấu hiệu nhỏ bất ổn từ người yêu mới như lời nói và hành động của họ không nhất quán, thiếu sự tinh tế… và sinh ra cảm giác nghi ngờ, bất an. Do đó, nếu bạn cảm thấy gì đó không ổn từ người mình đang tìm hiểu trong thời điểm hiện tại, hãy lắng nghe bản thân và đừng ngại đặt câu hỏi, tìm hiểu lý do cho những nghi ngờ của bạn. Bên cạnh đó, bạn cần quan sát thêm và kết hợp với phân tích logic để có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề, bởi đôi khi trực giác về một ai đó có thể dễ sai lệch do những thiên kiến hoặc cảm xúc cá nhân.


Xem thêm

• 9 bài học đắt giá về việc hẹn hò trước khi bước vào một mối quan hệ

• 5 cung hoàng đạo sẽ đón nhận những thay đổi lớn về mặt tình cảm vào cuối tháng 11/2024

• 6 điều bạn không nên đánh mất khi bước vào mối quan hệ tình cảm


Phát triển bản thân 

Tập trung vào bản thân sẽ giúp bạn hiểu rõ giá trị của mình và nhận diện được điều gì là quan trọng trong một mối quan hệ. Khi bạn nắm được điều này, bạn sẽ ít có khả năng bị cuốn vào những hành vi thao túng như love bombing, bởi bạn có thể nói lên cảm xúc và nhu cầu của mình một cách rõ ràng, phân biệt giữa tình cảm chân thật và ai đó đang thao túng bạn. 

cô gái phát triển bản thân trong giai đoạn tình yêu

Ảnh: Unsplash/Louis Thai

Mặt khác, những người đang bị “dội bom tình yêu” thường có xu hướng cảm thấy bối rối và không thể phản đối khi đối tác của họ thể hiện sự yêu thương thái quá. Do đó, việc thể hiện tình yêu bản thân và giao tiếp rõ ràng với đối phương có thể giúp bạn ngăn chặn tình trạng này ngay từ đầu. Từ đó bạn sẽ có thời gian cho những hoạt động bạn yêu thích, vun đắp các mối quan hệ khác và tập trung vào việc xây dựng lòng tự trọng và sự độc lập và tránh được một yếu tố nguy hại trong cuộc sống của mình.

Theo dõi tốc độ phát triển của mối quan hệ

Điều gì vội đến, sẽ vội đi”. Điều này thường đúng khi áp dụng vào một mối quan hệ. Chẳng hạn, những người liên tục “tấn công” bạn dù vừa mới gặp mặt có thể khiến bạn cảm thấy vui vẻ và hưng phấn trong giai đoạn đầu, nhưng cả hai đang thiếu một sự gắn kết sâu sắc về mặt tình cảm vì chưa tìm hiểu kỹ về đối phương, từ đó dễ dàng chia tay khi đối mặt với áp lực hoặc mâu thuẫn. Đồng thời, nếu một mối quan hệ đang tiến triển quá nhanh đến mức bạn khó lòng kiểm soát được, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang rơi vào tình trạng dội bom tình yêu.

Thông thường, cảm xúc của bạn dành cho một người lúc ban đầu thường được thúc đẩy bởi các hormone hạnh phúc như dopamine, oxytocin và serotonin. Những hormone này mang lại cảm giác vui vẻ, hưng phấn, khiến chúng ta dễ dàng bỏ qua những khía cạnh tiêu cực của họ. Đây là lý do tại sao trong giai đoạn đầu của mối quan hệ, mọi thứ dường như hoàn hảo và “lý tưởng” trong mắt bạn. Tuy nhiên, khi hormone giảm dần sau một thời gian (khoảng thời gian phổ biến là từ 6 tháng đến 1 năm), bạn bắt đầu nhìn nhận rõ hơn những khuyết điểm hoặc sự không phù hợp giữa hai người​. Đây còn được gọi là giai đoạn trăng mặt (honeymoon phase), và nếu bạn để tình trạng này cuốn đi cùng sự tấn công dồn dập của đối phương, về lâu dài bạn sẽ rơi vào cảm giác tội lỗi, mặc cảm vì đã không đáp ứng được những mong đợi của họ.

Tìm kiếm sự hỗ trợ nếu cần thiết

Nếu bạn bắt đầu cảm thấy áp lực như thể mối quan hệ đang tiến triển quá nhanh và bạn không có thời gian để suy ngẫm về cảm xúc thật của mình, đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn đang bị dội bom tình yêu. Trong tình huống này, điều quan trọng bạn cần làm là tìm sự trợ giúp từ những người có thể cho bạn một góc nhìn khách quan, từ đó hãy thử chia sẻ với một người đáng tin cậy như bạn thân, gia đình… Ngoài ra, nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc tự mình nhận diện vấn đề, việc tìm đến các chuyên gia tâm lý là một điều quan trọng. Họ sẽ hướng dẫn bạn cách thiết lập ranh giới, tự bảo vệ bản thân trong một mối quan hệ có dấu hiệu thao túng và đưa ra hướng trị liệu phù hợp. 

cặp đôi vạch rõ ranh giới giữa mối quan hệ

Ảnh: Unsplash/Joshua Rondeau

Quan trọng nhất, trong bất kỳ mối quan hệ nào, bạn nên lắng nghe cảm xúc thật của chính mình. Nếu bạn cảm thấy một điều gì đó không đúng, đó có thể là tín hiệu báo động cho thấy bạn cần suy nghĩ lại về người mình đang tìm hiểu. Hãy nhớ rằng, một mối quan hệ lành mạnh sẽ mang lại cho bạn sự bình yên và tự do, chứ không phải cảm giác bị kiểm soát và áp đặt.

Chia sẻ
Ngọc Kiều