6 thói quen nhỏ giúp ngày của bạn trở nên năng suất hơn
Bạn đã bao giờ cảm thấy 24 giờ trong một ngày là không đủ để hoàn thành mọi việc mình muốn? Đôi khi chỉ với những thay đổi nhỏ trong thói quen hằng ngày, bạn hoàn toàn có thể tạo ra những tác động tích cực đến bất ngờ.
Với nhịp sống bận rộn ngày nay, bạn có thể trở nên rối tung trước áp lực công việc và trong cuộc sống cá nhân. Khi quỹ thời gian eo hẹp, cân bằng tất cả mọi thứ để chất lượng cuộc sống trở nên tốt hơn là một thử thách lớn. Tuy nhiên, 6 thói quen nhỏ dưới đây có thể giúp bạn có tinh thần phấn chấn và năng suất hơn.
1. Dọn dẹp giường ngủ mỗi sáng
Trong bài phát biểu nổi tiếng của cựu Đô đốc Hải quân McRaven tại Đại học Texas (Mỹ) năm 2014 đã có một câu nói mang tính biểu tượng như sau:“Nếu các bạn muốn thay đổi thế giới, hãy bắt đầu bằng cách dọn giường ngăn nắp”. Điều này có thể được giải thích rằng những thói quen tích cực của một người thường bắt nguồn từ những chi tiết nhỏ nhất. Thuần thục các kỹ năng sống cơ bản sẽ giúp quân nhân biết tự chăm sóc bản thân, duy trì môi trường sống sạch sẽ, gọn gàng và rèn luyện tính kỷ luật cao.
Áp dụng điều này vào cuộc sống cá nhân, vệ sinh giường ngủ sau một đêm dài chỉ tốn khoảng 5 phút nhưng lại có sức ảnh hưởng lớn đến năng suất của bạn trong suốt cả ngày dài. Bắt đầu ngày mới bằng việc hoàn thành một nhiệm vụ nhỏ sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin hơn để đối mặt với những thử thách lớn hơn. Hành động này tưởng chừng đơn giản nhưng lại đóng vai trò như một yếu tố khởi đầu tạo ra hiệu ứng domino, cho bạn động lực để giải quyết mọi nhiệm vụ tiếp theo một cách gọn gàng gọn gàng. Chiếc giường ngăn nắp còn là biểu tượng của lối sống có tổ chức, và sau khi tan làm, còn gì tuyệt vời hơn khi được thả mình trên chiếc giường thơm tho, sạch sẽ, để mọi căng thẳng trong ngày gác lại phía sau?
2. Uống một cốc nước lọc trước khi uống cà phê
Cà phê là thức uống không thể thiếu, thúc đẩy sự tập trung của nhiều người vào buổi sáng. Một tách cà phê với hàm lượng caffeine vừa đủ có thể giúp bạn tỉnh táo, cải thiện khả năng tập trung và tăng cường phản xạ. Tuy nhiên, việc lạm dụng đồ uống này có thể mang lại một số tác dụng phụ không mong muốn. Điển hình là tính axit trong cà phê có thể gây kích ứng dạ dày, dẫn đến cảm giác khó chịu ở bụng. Ngoài ra, nạp quá nhiều caffein sẽ làm tăng mức độ lo âu và căng thẳng, làm giảm chất lượng giấc ngủ. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, một thói quen hữu ích để giảm thiểu các tác dụng phụ không mong muốn của cà phê là uống một cốc nước lọc trước khi thưởng thức. Việc này không chỉ cung cấp độ ẩm cần thiết cho cơ thể mà còn thúc đẩy quá trình thải độc và làm loãng nồng độ axit trong dạ dày giúp bảo vệ hệ tiêu hóa.
Bên cạnh đó, cà phê có chứa tanin, một chất có khả năng làm biến đổi màu răng và khiến răng dễ bị ố vàng. Khi bạn uống quá nhiều cà phê, tanin sẽ bám vào bề mặt men răng, tạo thành một lớp cặn mỏng theo thời gian. Để hạn chế tình trạng này, bạn nên tập thói quen uống nước khoảng 15 phút trước khi dùng cà phê. Điều này sẽ tạo ra một lớp bảo vệ cho răng, giảm nguy cơ xỉn màu và giữ cho hàm răng của bạn luôn sáng bóng.
3. Lập danh sách việc cần làm trong ngày
Thói quen lập danh sách việc cần làm có thể giúp bạn tổ chức công việc một cách khoa học, đảm bảo mọi nhiệm vụ quan trọng đều được ghi chú và không bị bỏ sót. Với một kế hoạch rõ ràng, bạn biết mình cần làm gì trong ngày, từ đó tiết kiệm thời gian và tránh cảm giác bối rối sau khi hoàn thành xong một nhiệm vụ. Hơn nữa, mỗi lần đánh dấu hoàn thành một công việc sẽ mang lại cho bạn cảm giác thành công và động lực để tiếp tục phấn đấu các đầu việc kế tiếp. Điều này giúp giảm thiểu thời gian dành cho những hoạt động không cần thiết và phân loại các nhiệm vụ có mức độ ưu tiên từ cao đến thấp, từ đó tối ưu hóa hiệu suất làm của bạn.
Xem thêm
• 6 thói quen nhỏ giúp bạn gây thiện cảm với những người xung quanh
• 15 thói quen đơn giản giúp ngôi nhà của các quý cô luôn ngăn nắp, sạch sẽ
• Thói quen uống cà phê tiết lộ điều gì về tính cách của bạn?
4. Vận động cơ thể
Vào mỗi buổi sáng hoặc trong những khoảng nghỉ ngắn khi đi làm, bạn có thể thực hiện các bài tập nhẹ nhàng, không tốn quá nhiều thời gian như kéo dãn cơ, squat hoặc đi bộ. Khi cơ thể vận động, lượng máu sẽ được lưu thông tốt hơn, cung cấp nhiều oxy cho não bộ, từ đó giúp nâng cao hiệu suất làm việc. Việc duy trì thói quen này không chỉ góp phần xây dựng lối sống lành mạnh mà còn giúp bạn nâng cao sức khỏe tinh thần, phòng tránh các rối loạn tâm lý.
Việc tập thể dục hay vận động thường xuyên còn giúp kích thích hormone endorphin – chất được mệnh danh là “hormone hạnh phúc.” Khi endorphin được giải phóng, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và trở nên lạc quan, yêu đời hơn. Ngoài ra, những ai duy trì thói quen này một cách thường xuyên sẽ có thể cảm thấy đầu óc minh mẫn hơn, khả năng tập trung được cải thiện và thúc đẩy tư duy sáng tạo, đưa ra nhiều giải pháp mới mẻ trong mọi khía cạnh cuộc sống.
5. Sử dụng một cách tối ưu quỹ thời gian cá nhân
Điều này nhằm đảm bảo rằng bạn dành nhiều thời gian hơn cho những hoạt động thực sự quan trọng và mang lại giá trị cho bản thân thay vì bị cuốn vào những việc gây xao nhãng. Chẳng hạn, nếu bạn liên tục tham gia vào các cuộc vui không cần thiết sau giờ làm cùng đồng nghiệp chỉ vì nể nang, hoặc đảm nhận giúp những nhiệm vụ không liên quan đến vai trò chính của mình tại nơi công sở, bạn sẽ cảm thấy choáng ngợp và quỹ thời gian dành riêng cho bản thân lại trở nên eo hẹp. Ngược lại, khi bạn cân bằng được cuộc sống và công việc, được làm những điều bạn thực sự yêu thích và có giá trị với bản thân như học thêm một kỹ năng mới, bạn sẽ cảm thấy hài lòng và tích cực hơn. Điều này có thể được lý giải vì bạn đang biết mình đi đúng hướng, giúp bản thân tiến gần hơn đến mục tiêu và tạo ra các giá trị dài hạn.
Vì vậy, hãy mạnh dạn nói “không” với những điều đi ngược lại với mong muốn của bạn. Đây là một cách dứt khoát để phân định rõ ranh giới cá nhân, giúp bạn tránh bị phân tán năng lượng vào những việc không đem lại lợi ích lâu dài và bảo vệ sức khỏe tinh thần của mình. Tuy nhiên, bạn vẫn cần thận trọng để không rơi vào tình trạng tự cô lập. Có một số hoạt động thoạt nhìn không liên quan trực tiếp đến mục tiêu cá nhân của bạn, nhưng nó vẫn có thể mang đến cho bạn những kết nối giá trị, mở rộng cơ hội tiềm năng và giúp bạn tiếp cận những góc nhìn mới mẻ, đa dạng. Chẳng hạn, bạn có thể tham gia một số sự kiện tại nơi làm việc, các hoạt động thường niên, các sự kiện networking… để tăng kết nối với đồng nghiệp, đồng thời tạo những mối quan hệ mới với đối tác, người cùng ngành để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm
6. Trân trọng và biết ơn từ những điều nhỏ nhất
Trong một bài diễn thuyết tại TedX, tu sĩ David Steindl-Rast đã chia sẻ một thông điệp ý nghĩa: “It is not happiness that makes us grateful. It’s gratefulness that makes us happy” (tạm dịch: Không phải hạnh phúc khiến chúng ta biết ơn. Chính lòng biết ơn mới mang lại hạnh phúc cho chúng ta). Ông còn nhấn mạnh nhịp sống hiện đại thường khiến nhiều người trong chúng ta mải mê chạy theo những gì chưa đạt được và quên đi những gì ta đã có. Từ đó, điều này làm con người xa rời niềm hạnh phúc thật sự.
Trên thực tế, khi chúng ta chú ý vào những điều tích cực và biết trân trọng những gì mình đang có, não bộ sẽ dần hình thành thói quen nhìn nhận khó khăn với sự lạc quan. Một người duy trì lòng biết ơn sâu sắc sẽ ít gặp phải những cảm xúc tiêu cực như oán giận, ghen tị hay thất vọng hơn so với những ai chỉ tập trung vào nỗi đau cá nhân. Thay vào đó, họ có xu hướng tập trung vào giải pháp và tìm kiếm những điều tốt đẹp ngay cả trong những hoàn cảnh ngặt nghèo.
Để thực hành lòng biết ơn, một trong những cách trong những cách dễ dàng nhất bạn có thể thực hiện ngay lúc này là viết nhật ký biết ơn. Vào mỗi tối, bạn sẽ dành ra một ít thời gian để ghi lại từ 3 đến 5 điều khiến bạn cảm thấy biết ơn hay hạnh phúc trong ngày. Đó có thể là những điều nhỏ nhặt như một tách cà phê ngon, khoảnh khắc ai đó giúp đỡ bạn, hoặc chỉ đơn giản là một bữa tối vui vẻ, ấm áp bên gia đình. Từ đó, bạn sẽ nhận ra cuộc sống này vô cùng đẹp đẽ vì mọi thứ xung quanh đều đang ủng hộ hay yêu thương bạn theo một nghĩa nào đó.