Eat Clean đang trở thành xu hướng ăn uống lành mạnh được yêu thích, với lời hứa về một cơ thể khỏe mạnh hơn nhờ việc sử dụng thực phẩm “nguyên bản” – chưa qua chế biến. Nhiều người áp dụng phương pháp này vì sự thay đổi nhẹ nhàng, không đòi hỏi phải thay đổi chế độ ăn uống một cách đột ngột. Vì vậy, Eat Clean dần trở thành một “chuẩn mực” trong phong cách sống hiện đại, được xem như chìa khóa cho sức khỏe toàn diện. Tuy nhiên, liệu Eat Clean có thật sự “quyền năng” đến thế?
Lầm tưởng 1: Eat Clean lúc nào cũng tốt
Sự kiên trì và nghiêm túc trong việc chế độ Eat Clean là cần thiết. Tuy nhiên, một số người có thể hình thành nỗi ám ảnh với việc lựa chọn thực phẩm sạch nhất để tiêu thụ, đến mức họ cảm thấy căng thẳng. Thậm chí một số người có xu hướng hình thành thói quen ăn uống bất thường bởi vấn đề trên.
Các chuyên gia y khoa gọi điều này là ortherexia nervosa, có nghĩa là hiện tượng ám ảnh bởi một lối ăn lành mạnh nào đó và hình thành những hành vi cực đoan. Điều này có thể dẫn đến lối sống không lành mạnh như cô lập bản thân khỏi bữa ăn với người khác hoặc thậm chí là nỗi sợ hãi bị chỉ trích bởi những người không theo chế độ Eat Clean.
Lầm tưởng 2: Thực phẩm không “sạch” thì không tốt cho sức khoẻ
Với một số người, thực phẩm sạch bắt buộc không được chứa bất kỳ nguyên liệu phụ gia nào. Tuy nhiên, không phải phụ gia nào cũng gây hại cho sức khoẻ. Trên thực tế, vẫn có một số chất đem lại lợi ích. Trong số đó có thể kể đến vitamin D được thêm vào sữa để tăng cường chắc khoẻ xương, hoặc chất sắt trong nước ép cam. Mặc dù các loại thực phẩm này không phải là sản phẩm tự nhiên nhất, chúng vẫn giúp bổ sung những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Tất nhiên, các loại phụ gia khác như đường, chất béo trans fat, màu thực phẩm… không hề có lợi cho sức khoẻ. Vì vậy, người theo chế độ Eat Clean cần có sự tỉnh táo và hiểu biết về các thành phần trong thực phẩm để có quyết định đúng đắn.
Lầm tưởng 3: Chỉ có Eat Clean mới là chế độ ăn lành mạnh
Eat Clean là một xu hướng ăn uống mà một người khi theo đuổi sẽ có những lựa chọn thông minh cho thực phẩm của mình. Tuy nhiên, thực đơn sạch (clean) không hoàn toàn đồng nghĩa với thực đơn lành mạnh. Một số gợi ý cho thực đơn lành mạnh không cấm việc sử dụng thực phẩm đóng gói hay đã qua chế biến.
Theo đại học Harvard, chế độ ăn lành mạnh bao gồm:
- Hoa quả và rau củ không chiên
- Dầu ăn lành mạnh như dầu ôliu, dầu hoa hướng dương
- Các loại bánh mì nguyên hạt (whole-grain)
- Nguồn cung cấp protein như cá, thịt gia cầm, đậu…
- Nước, trà, cà phê chứa rất ít hoặc không đường
Về cơ bản, thực đơn lành mạnh không quá giới hạn như chế độ Eat Clean. Mặc dù như vậy cũng không có nghĩa Eat Clean có hại cho sức khoẻ. Điều quan trọng cần nhớ là hãy luôn một thái độ lành mạnh khi tiêu thụ thức ăn và không quá ám ảnh bởi thực đơn Eat Clean.
Lầm tưởng 4: Eat Clean có thể chữa bệnh
Nhiều liệu pháp hoặc lời truyền miệng dân gian cho rằng một số loại thực phẩm có thể chữa bệnh. Đó cũng chính là lầm tưởng của nhiều người khi thực hiện chế độ Eat Clean. Mặc dù thức ăn đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện và bảo vệ sức khoẻ, những ý kiến cho rằng bệnh có thể được chữa trị bằng phương pháp ăn kiêng hoặc ăn thật nhiều loại thực phẩm nào đó là hoàn toàn sai lầm.
Thực tế, chưa có nghiên cứu nào cho thấy thực phẩm có thể chữa bệnh mà không cần đến phương pháp điều trị khoa học như thuốc hoặc công nghệ y tế. Chính vì vậy, Eat Clean không thể thay thế được vai trò của y khoa trong việc chữa trị bất kỳ căn bệnh nào.