Một cô gái từng chịu đựng vụ ly hôn ầm ĩ của cha mẹ năm cô lên 5 tuổi, vì vậy cô luôn phải tỏ ra là mình ổn và dễ chiều để không gây phiền hà cho người lớn. Lớn lên, cô thường cố tỏ vẻ ổn trong nhiều tình huống bị người yêu đối xử tệ, thiếu tôn trọng.
Một chàng trai chứng kiến mẹ anh bị cha lạm dụng, kể từ đó anh cũng mất luôn tình thương từ gia đình. Anh ấy lớn lên với nỗi sợ rằng tình yêu và sự kết nối không sớm thì muộn rồi sẽ biến mất. Do đó, anh luôn né tránh những mối quan hệ yêu đương vì không muốn chịu tổn thương thêm lần nào nữa.
Trong 15 năm và 20.000 giờ hành nghề trị liệu hôn nhân và gia đình, Vienna Pharaon đã làm việc với hàng trăm thân chủ, lắng nghe hàng trăm câu chuyện tương tự như trên. Điểm chung của những mẩu chuyện trên là các cá nhân thường lặp đi lặp lại một kiểu vấn đề hoặc xung đột tương tự nhau trong tình yêu.
Nguồn cội của những rắc rối tình cảm lặp lại, theo Vienna Pharaon, là từ vết thương lòng mỗi người, được bén rễ từ thuở nhỏ. Những vết thương đó tạo thành những mô thức, những khuôn mẫu mà dường như ta đã được “lập trình” để suy nghĩ và hành xử theo cùng một cách không lành mạnh.
Phá vỡ khuôn mẫu
Để phá vỡ những khuôn mẫu đó, Vienna hướng dẫn các thân chủ thực hiện một phương pháp mà cô gọi là chữa lành tận gốc (origin healing work). Nói như Vienna, ta buộc phải “kéo thêm chiếc ghế cho phiên bản ngày xưa của mình”, nhìn lại quá khứ và những vết thương cũ xưa.
Tổng thể phương pháp và rất nhiều câu chuyện tình yêu thú vị đã được Vienna đúc kết trong Phá vỡ khuôn mẫu, cuốn sách vừa được First News chuyển ngữ và xuất bản tại Việt Nam.
Trong sách, Vienna đi theo một quy trình có hệ thống để nhìn nhận nỗi đau, khuôn mẫu và cách vượt thoát khỏi chúng. Quy trình này bắt đầu từ việc tìm hiểu mối liên hệ giữa hành vi của chúng ta ở hiện tại với hệ thống gia đình nơi chúng ta sinh trưởng.
Sau đó, cô cùng bạn đọc khám phá 5 vết thương phổ biến nhất, mà ắt hẳn khi đọc, bạn sẽ thấy mình gặp nhiều hơn một vết thương trong số đó.
“Có thể bạn từng phải vật lộn với cảm giác không xứng đáng với tình yêu đang lớn dần. Có thể bạn từng cảm thấy mình không thuộc về. Có thể bạn từng tự hỏi mình có đủ quan trọng để được ưu tiên không. Có thể bạn từng cảm thấy khó mà tin tưởng những người gần gũi với mình nhất, hoặc bạn cảm thấy không an toàn về thể chất hay tinh thần”, Vienna dẫn ra.
Trong phần sau của sách, tác giả cung cấp các công cụ để bạn giao tiếp và thiết lập ranh giới, cũng như giải quyết xung đột trong các mối quan hệ, để từ đó đối diện với những thử thách trong tình yêu theo cách khác đi so với khuôn mẫu cũ của mỗi người.
Xem thêm
• Thế giới diệu kỳ của Nguyễn Nhật Ánh: Từ trang sách đến màn ảnh
• [Giới thiệu sách hay] Nhà sư và khu vườn: Lắng nghe giáo lý loài hoa
• So sánh ưu, nhược điểm của việc đọc sách giấy truyền thống và đọc sách điện tử
Mục tiêu đời người
Đặc biệt, xuyên suốt các chương sách, Vienna không chỉ giúp người đọc hiểu về vết thương của chính mình mà còn hiểu về vết thương của người yêu. “Một trong những điều tử tế nhất mà bạn có thể dành cho đối phương là nhớ rằng chính họ cũng có một vết thương cội nguồn có thể đang tồn tại đồng thời với vết thương của bạn”, tác giả ghi.
Vienna Pharaon khuyến khích chúng ta nhìn nhận xa hơn những lời phàn nàn, chỉ trích của người bạn đời, những xung đột lặp lại giữa hai người… để nhìn nhận và hành xử giàu yêu thương, trắc ẩn và bao dung hơn.
Trong sách, Vienna cũng chỉ thêm rằng rất nhiều cặp đôi quay trở lại gặp Vienna, tiếp tục phàn nàn về những “lối mòn” xung đột giữa đôi bên, dù mỗi người đã thấu hiểu về vết thương của chính mình và của đối phương. Điều đó nhấn mạnh rằng chữa lành thực sự là một quá trình trọn đời, và bạn không thể đi đến đích và thành công trong ngày một ngày hai.
Dẫu vậy, những chỉ dẫn, những lời động viên giàu thấu cảm của Vienna, lẫn những câu chuyện giàu cảm hứng được kể lại sẽ khiến bạn đọc nhận ra rằng chúng ta có thể thay đổi nhiều thứ hơn ta vốn nghĩ.
Lời nhắn có sức mạnh nhất có lẽ từ thổ lộ của một thân chủ của Vienna, chàng trai trốn tránh tình yêu ở đầu bài viết, người mà khi đứng trước một người thật sự khiến anh rung động, anh lại muốn sống khác đi với khuôn mẫu của mình.
“Tôi không muốn ở sau bức tường này mãi mãi”, anh nói, “Nếu tôi cứ thế này thì giống như cha tôi đã giành chiến thắng. Thật kỳ lạ, nhưng tôi cảm thấy như ở một vài khía cạnh, việc phá vỡ được những bức tường này cũng giống như tôi đang vùng dậy đấu tranh. Kiểu như cha tôi đã cướp thứ gì đó của mẹ tôi, nhưng ông ấy sẽ không thể cướp điều đó từ tôi đâu”.
Đừng chịu thua quá khứ. Đừng để vết thương cũ xưa tước đi của bạn sự tự do yêu thương và kết nối. “Bạn đang bước ra khỏi những vai trò cũ mà bạn không cần phải đảm nhận nữa. Bạn đang thách thức những niềm tin, giá trị, căn tính mà những người đi trước đã trao cho bạn”, Vienna động viên.
Trên Amazon và Goodreads, cuốn sách của Vienna nhận được nhiều phản hồi tích cực. Nhiều bạn đọc khen ngợi lối viết chân thành, giàu trắc ẩn và những câu chuyện gần gũi giúp bạn đọc tự soi chiếu chính mình. Không ít người chia sẻ rằng họ đã gạch chân và đánh dấu đến cả nửa cuốn sách và mua nhiều cuốn sách để tặng những người thân yêu.
Trên Amazon, Phá vỡ khuôn mẫu từng lọt top sách hay nhất của tháng; top 10 sách bán chạy nhất hạng mục Popular Development Psychology (Tạm dịch: Tâm lý phát triển phổ biến) và top 20 sách bán chạy nhất Dysfunctional Families (tạm dịch: Gia đình rối loạn chức năng).
Cuốn sách đã được dịch sang khoảng 10 ngôn ngữ trên thế giới.